“Trường ca Nguyễn Thiện Thành”- món quà đặc biệt ý nghĩa

“Trường ca Nguyễn Thiện Thành” là tác phẩm của Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Trung chuyển thể thơ lục bát 260 câu từ tập hồi ký tổng hợp “Chuyện của một thời và mãi mãi” cũng do chính tác giả viết cách đây trên 10 năm.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Trung với tác phẩm “Trường ca Nguyễn Thiện Thành”.
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Trung với tác phẩm “Trường ca Nguyễn Thiện Thành”.

Ông chọn thể thơ lục bát viết theo lối trường ca đậm chất sử thi vừa trữ tình, vừa tự sự để ca ngợi tài năng, đức độ và nhân cách lớn của Đại tá, GS.TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thiện Thành. Đây là món quà tinh thần đặc biệt ý nghĩa, tác phẩm tâm huyết, tâm tình của BS Nguyễn Hồng Trung nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.TS Nguyễn Thiện Thành (30/9/1919- 30/9/2019).

Bác sĩ Nguyễn Hồng Trung- nguyên Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long- là người đã gắn bó với nền y học nước nhà qua 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; có nhiều cơ hội làm việc và tiếp xúc với GS.TS Nguyễn Thiện Thành, nên giờ đây ông là một trong số ít người hiếm hoi còn được biết và am hiểu sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của GS.TS Nguyễn Thiện Thành. Người mà bác sĩ Nguyễn Hồng Trung luôn cảm mến, nể phục là bậc đàn anh, một người thầy trong cuộc sống và trong nghề y đối với mình.

Đó là cuộc đời của một nhà trí thức yêu nước, đã có những cống hiến to lớn trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, trải qua nhiều gian khổ, hy sinh, gánh vác nhiều trọng trách và ở bất kỳ đâu, bất kỳ vị trí nào GS.TS Nguyễn Thiện Thành, đều thể hiện tài năng, đức độ và hoàn thành xuất sắc vai trò mà Đảng, nhân dân giao phó. Cuộc đời của một thầy thuốc được mọi người yêu mến, kính phục đó, trải ra trước mắt chúng ta qua 260 câu thơ lục bát, thật gần gũi biết bao và bắt đầu như câu chuyện kể thật dung dị:

“Nguyễn Thiện Thành- Nguyễn Trà Vinh

Danh xưng cùng với mật danh vẹn lòng

Xã Phương Thạnh, huyện Càng Long

Trưởng thành từ đất Anh hùng là đây!

Mang dòng máu của người thầy

Cha là nhà giáo dạy ngay tỉnh nhà”.

Xuất thân từ gia đình yêu nước, nên sớm ý thức tinh thần độc lập dân tộc, nhận thức rõ hoàn cảnh hiện tại của đất nước. Do đó, người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Thiện Thành cũng sớm xác định rõ ràng con đường dấn thân lập nghiệp của mình khi mà cơ hội tương lai mở ra phía trước. Đó là khi nước Pháp cấp học bổng cho 3 ngành học về: quân sự, ngân hàng hoặc chính trị, Nguyễn Thiện Thành đã dứt khoát từ chối và chọn cho mình một lối đi riêng:

“Ngành y giữ trọn cuộc đời

Đành rằng ta phải tạm rời quê hương

Đại học Y ở Đông dương

Hà Nội một trường đâu dễ vào đây

Đó là tâm huyết mê say”.

Chính từ “ngã rẽ cuộc đời” này, mà trong kháng chiến chống Pháp chúng ta có bác sĩ “Phi- La- Tôp” Nguyễn Thiện Thành, tạo nên tiếng vang lớn cho ngành Quân y nước nhà trong giai đoạn kháng chiến cực kỳ cam go, thiếu thốn thuốc men, dinh dưỡng vào những năm 1950:

“Trong vùng cho đến thị thành

“Cấy Phi- La- Tôp” tiếng lành đồn xa

Chiến trường như một món quà

Nhân dân chữa bệnh đậm đà niềm tin

Thầy thuốc chữa bệnh quên mình

Vượt qua thiếu thốn lập nên công đầu”

Tác phẩm Trường ca Nguyễn Thiện Thành.
Tác phẩm Trường ca Nguyễn Thiện Thành.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Trung, nếu phương pháp Phi- La- Tôp là cống hiến to lớn cho ngành Quân y thời kỳ chống Pháp, thì bước vào giai đoạn chống Mỹ, GS.TS Nguyễn Thiện Thành lại tạo nên một cột mốc đỉnh cao nữa chính là đề xuất thay đổi phương pháp điều trị sốt rét ác tính ở chiến trường, đã cứu sống biết bao thương bệnh binh lâm vào tình trạng suy kiệt cơ thể đái huyết sắc tố dễ dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Thay vì chỉ dùng thuốc đặc trị, phương pháp mới của GS Thành là dinh dưỡng, truyền dịch nâng cao thể trạng cơ thể chống chọi căn bệnh một cách hiệu quả:

“Miền Đông đâu dễ coi thường

Sốt rét ác tính không nhường một ai?

Phác đồ điều trị đổi thay

“Nâng đỡ cơ thể ” mạnh tay tăng cường

“Sốt rét ác tính chao ôi!

“ Đái huyết sắc tố”, khó rời tử vong?

Bệnh binh suy kiệt cầu mong

“Nâng cao sức khỏe”, mới hòng vượt qua”.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Trung cho rằng, mình nể phục ở GS.TS Nguyễn Thiện Thành, đức tính miệt mài say mê tìm tòi nghiên cứu khoa học, lúc nào trong con người ông cũng rực cháy ngọn lửa nhiệt tình, cống hiến.

“Phía sau những thành công của khối lượng đồ sộ công việc, công trình khoa học, cùng với lòng nhân ái và sức chịu đựng phi thường ẩn lặn trong con người ấy.

Đã trải qua 8 lần phẫu thuật (phần lớn là đại phẫu), trên cơ thể từng tranh chấp với bom đạn và chất độc hóa học và 14 lần hiến máu cho bệnh nhân, thương binh ngay cả lúc thiếu ăn, yếu sức”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, GS.TS Nguyễn Thiện Thành được Ban Bí thư quyết định làm Chủ tịch Hội đồng sức khỏe Trung ương, kiêm Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất- bệnh viện phục vụ sức khỏe cán bộ cao cấp, trung cấp của Đảng, Nhà nước và khách quốc tế.

Ở cương vị này, ông tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống đã xây dựng ở chiến trường; phấn đấu vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó.

GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng và nền y học nước nhà- một tài năng lớn, đức độ lớn; được ca ngợi, tôn vinh bằng tác phẩm trường ca dung dị, mà ẩn chứa, gói ghém một tấm lòng trân trọng của bác sĩ Nguyễn Hồng Trung.

Ở tuổi 90, bác sĩ Nguyễn Hồng Trung, đã dành trọn tâm huyết, tâm tình để hoàn thành một trường ca, ca ngợi một bậc đàn anh, người thầy nhân dịp tròn 100 năm ngày sinh GS.TS Nguyễn Thiện Thành- một món quà tinh thần có ý nghĩa biết bao.

GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã tận hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng và nền y học nước nhà. Tổ quốc tặng thưởng ông 16 huân chương cao quý. Cùng với vinh dự đó, năm 1985, ông được Hội đồng Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; năm 1989 được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Gắn liền với nơi chôn nhau cắt rốn, nhân dân tỉnh Cửu Long tín nhiệm bầu GS.TS Nguyễn Thiện Thành đắc cử 2 nhiệm kỳ: đại biểu Quốc hội khóa VI (1976- 1981) và đại biểu Quốc hội khóa VII (1981- 1987).

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/201909/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-gsts-nguyen-thien-thanh-truong-ca-nguyen-thien-thanh-mon-qua-dac-biet-y-nghia-2966072/index.htm?fbclid=IwAR0VWwENWlbVr2SYD14mvcYrO0vMEGl9lNYncXd_E5LXW2ilO5qjsQsJOXE

More from the blog

Góp phần xây dựng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số có chất lượng cho vùng ĐBSCL

Nguồn: https://baocantho.com.vn/gop-phan-xay-dung-nguon-nhan-luc-dan-toc-thieu-so-co-chat-luong-cho-vung-dbscl-a171560.html Năm 2023, GS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh, ký quyết định thành lập Trường...

Hợp tác xã sinh viên Trường Đại học Trà Vinh: Giúp sinh viên trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp

Nguồn: https://baocantho.com.vn/gop-phan-xay-dung-nguon-nhan-luc-dan-toc-thieu-so-co-chat-luong-cho-vung-dbscl-a171560.html Hợp tác xã (HTX) Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh được thành lập vào tháng 6/2018 với 537 thành viên, tham gia...

Gần 320 thí sinh tham dự Hội thi Olympic Hóa học TVU lần thứ III

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/gan-320-thi-sinh-tham-du-hoi-thi-olympic-hoa-hoc-tvu-lan-thu-iii-36198.html? Ngày 07/4, Khoa Hóa học ứng dụng thuộc Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thi Olympic Hóa học - TVU lần...

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer Nam Bộ

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/bao-ton-tieng-noi-chu-viet-cua-dong-bao-khmer-nam-bo-35899.html? Tỉnh Trà Vinh có tổng dân số trên 01 triệu người; trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 32% dân số. Địa phương...