Trưởng nhóm Nguyễn Bá Lộc (sinh viên năm 4, ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, trường Đại học Trà Vinh) lập nhóm gồm 4 thành viên có cùng ý tưởng tận dụng nguồn tài nguyên bản địa là cây dừa nước để nâng cao giá trị. Nhóm xây dựng dự án “Mật dừa nước đóng chai”, tham gia cuộc thi khởi nghiệp Hult Prize năm 2020 và đạt giải Nhất.

Theo Nguyễn Bá Lộc, cậu sinh ra và lớn lên tại xã Mỹ Long Bắc (Cầu Ngang, Trà Vinh), một vùng đất nằm dọc theo dòng sông Tiền, nơi được ví là thủ phủ của cây dừa nước. Tuy nhiên người dân nơi đây chưa thấy hết được những giá trị mà cây dừa nước đem lại. Trong quá trình học cùng với niềm đam mê khởi nghiệp, Lộc nhận ra cây dừa nơi mình lớn lên có rất nhiều giá trị và có thể làm giàu từ nó. “Đối với cây dừa nước, trước đây người dân chủ yếu sử dụng lá bán để làm nhà, còn buồng bán thô cho thương lái với giá chỉ vài nghìn đồng, chưa ai biết đến giá trị mật cây dừa nước”, Lộc nói.

Theo các kết quả nghiên cứu, mật dừa nước rất thích hợp cho người bị tiểu đường. Ngoài ra, sản phẩm mật dừa nước có chứa nhiều Vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa, bổ sung năng lượng, ngăn ngừa cảm cúm, giúp trẻ hóa làn da. Lộc cùng nhóm bạn đã tham khảo các tài liệu về cách khai thác, làm ra sản phẩm từ mật dừa nước ở các nước có thế mạnh như Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Bí quyết massage cuống buồng dừa 

Bạn Lâm Thị Ngọc Yến, thành viên trong nhóm cho biết, quy trình lấy mật được thực hiện chặt chẽ. Cuốn hoa dừa trước khi thu mật phải được vệ sinh sạch sẽ, tránh bám bẩn. Buồng dừa nước được lựa chọn lấy mật phải đảm bảo trái đã đủ lớn, chuyển từ màu vàng nâu sang màu nâu sẫm. Để cây dừa nước tiết ra mật thì bí quyết chính là massage cuống của buồng dừa. Muốn lấy được nhiều mật dừa nước thì phải massage đều đặn, đảm bảo dồn sức cho buồng trái phát triển. Khi đến giai đoạn trưởng thành, buồng sẽ được chặt ngang và bắt đầu hứng mật. “Một trong những bí quyết của nhóm lấy mật được nhiều là cách massage. Bạn phải gõ đều tay làm sao cảm nhận được sự yêu thương, dành tình cảm của mình vào trong đó mới ra mật như mong muốn”, Yến chia sẻ.

Cũng theo Yến, mật sau khi được lấy phải trải qua quá trình lọc loại bỏ các tạp chất. Sau đó, đưa vào hệ thống đun hoàn lưu, tiếp đến hòa trộn với thịt của quả dừa nước đã được xử lý và cắt nhỏ theo kích thước phù hợp. Cuối cùng là đóng chai dán nhãn cho sản phẩm, thực hiện tiệt trùng lại lần cuối rồi đưa sản phẩm ra thị trường.

 Bạn Hồ Thị Thiên Thanh, thành viên trong nhóm chia sẻ thêm, sản phẩm mật dừa nước đóng chai là nền tảng để sản xuất ra các sản phẩm khác như mứt dừa nước, các sản phẩm mỹ nghệ… “Thời gian tới nhóm sẽ chia sẻ lợi ích với cộng đồng bằng cách xây dựng mô hình thu mua lại mật dừa của các hộ nông dân trên khắp các huyện, tỉnh ven sông, ven biển nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, hướng đến xuất khẩu sản phẩm mật dừa nước ra thị trường nước ngoài”, Thanh chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp trường Đại học Trà Vinh đánh giá, “Mật dừa nước đóng chai” là dự án dựa trên nguồn tài nguyên bản địa, có nhiều tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây dừa nước. Hiện dự án đã có sản phẩm mẫu, hương vị thơm ngon và vị ngọt thanh mát nên có thể dùng trực tiếp làm nước giải khát.