Ngô Đình Khải (24 tuổi ở ấp Chợ, thị trấn Cù Lao Dung, Cù Lao Dung, Sóc Trăng) là anh cả trong gia đình có 2 anh em, cha mẹ làm nghề nông nên cuộc sống khá vất vả, bấp bênh. Gia đình có hơn 1 ha, trước đây trồng mía thua lỗ rồi chuyển sang nuôi tôm. Khải mới tốt nghiệp đại học, ngành Luật trường Đại học Trà Vinh. Mặc dù học luật nhưng ngay từ những ngày đầu là sinh viên, Khải đã nung nấu ý tưởng khởi nghiệp. Khải tự định hướng cho mình khi tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về khởi nghiệp, học hỏi các chuyên gia, những người đi trước…

 

ĐBSCL là vùng trọng điểm của cả nước về nuôi trồng thủy sản và đang phát triển mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú ở các tỉnh ven biển. Thế nhưng, ngành nuôi tôm đang đứng trước tình hình ngày một khó khăn do người nuôi sử dụng thuốc nhiều chất kháng sinh làm cho đất bị nhiễm trên diện rộng. ĐBSCL cũng dẫn đầu cả nước về sản lượng và diện tích trồng mía nhưng nhiều năm trở lại đây giá mía thấp, có lúc người dân phải đốn bỏ vì thu hoạch không đủ tiền trả nhân công đốn. Trước thực trạng này, Ngô Đình Khải đã nảy ra ý tưởng dùng bã mía để xử lý ao nuôi tôm.

Trước đó ở ĐBSCL đã có người sử dụng bã mía để xử lý ao tôm. Tuy nhiên sản phẩm từ bã mía của Khải trong quá trình lên men hỗn hợp lại hoàn toàn khác. Khải cấy vi sinh lên bột bã mía; trong bã mía có thành phần xốp, là nơi ở của vi sinh, cung cấp dinh dưỡng cho vi sinh. Điều này một mặt nhân lên gấp nhiều lần số lượng vi sinh khi đánh xuống ao, mặt khác giải quyết vấn đề môi trường ao tôm như khí độc, tảo độc; giúp tôm phát triển, tạo môi trường tự nhiên cho tôm sinh trưởng. Từ đây Khải hướng đến sản xuất tôm sạch phục vụ xuất khẩu.

“Mía là nguồn cung cấp thức ăn, môi trường cho hệ vi sinh có lợi phát triển để át chế các vi khuẩn gây bệnh cho tôm. Còn bột bã mía giúp ổn định môi trường, tạo thức ăn tự nhiên cho tôm, phục hồi khoáng chất cho đất. Ban đầu tôi thử nghiệm trong ao nuôi tôm của gia đình và vài hộ gần nhà. Đến lúc thu hoạch, so sánh với những ao không dùng sản phẩm, kết quả thu được ao tôm dùng sản phẩm thu hoạch sớm hơn và tiết kiệm được từ 20 – 30% chi phí”, Khải chia sẻ.

Hiện gia đình ông Nhâm Văn Trung (ở thị trấn Cù Lao Dung, Sóc Trăng) có 6 ao với 2 ha nuôi tôm đang sử dụng sản phẩm của Khải. Ông Trung đánh giá, sản phẩm có lợi cho môi trường và giúp tôm bắt mồi nhanh, mau lớn. Gần đây có khoảng chục hộ nông dân nuôi tôm ở huyện Duyên Hải, Trà Cú (Trà Vinh) bắt đầu thử nghiệm sản phẩm của Khải và đều đánh giá tốt.

 

“Sản phẩm ưu việt hơn nhờ những vi sinh vật có lợi trong bã mía được lên men tự nhiên nên không để ảnh hưởng môi trường nuôi về sau. Bã mía có thể đóng gói dạng khô và được bảo quản lâu hơn. Hơn nữa khác với các dạng vi sinh khác trên thị trường là không để lại hàm lượng hữu cơ lớn dưới đáy ao trong 1 vụ nuôi”, Khải nói thêm.

 

Anh Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp trường Đại học Trà Vinh cho biết, nhà trường không khuyến khích sinh viên khởi nghiệp trong lúc còn đi học. Tuy nhiên nhà trường luôn tạo môi trường thuận lợi về chính sách, kết nối các quỹ, kiến thức, hoàn thiện sản phẩm… cho sinh viên. “Hướng của trường kỳ vọng là sau khi ra trường thì các em sẽ khởi nghiệp được. Điển hình như bạn Ngô Đình Khải, sau khi ra trường là đã thành lập doanh nghiệp và tự tin khởi nghiệp”, anh An nói.