Giáo dục STEM phát triển nhanh và bền vững

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/giao-duc-stem-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-21112022-a107973.html

BDK – Tiếp cận khái niệm STEM từ năm 2018 qua hoạt động tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật là cơ sở để Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu triển khai hoạt động giáo dục STEM tại nhà trường trong các năm qua. Những kết quả thu được bước đầu về hoạt động giáo dục STEM cho thấy nhà trường đã có những định hướng và giải pháp phù hợp thực tiễn.

Hoạt động trải nghiệm STEM tại Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: N.V.Ngon

Hoạt động trải nghiệm STEM tại Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: N.V.Ngon

Đồng bộ giải pháp

Phong trào giáo dục STEM tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu phát triển nhanh thể hiện qua kết quả xây dựng đội ngũ giáo viên tham gia nghiên cứu, áp dụng STEM phục vụ cho dạy học và hướng dẫn học sinh sáng tạo khoa học kỹ thuật. Số lượng học sinh tham gia hoạt động nghiên cứu sáng tạo ngày càng đông. Chất lượng sản phẩm sáng tạo của học sinh ngày càng tăng lên. Bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động STEM phát triển nhanh, nhà trường còn chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững. Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã triển khai các giải pháp thông qua các kế hoạch tổ chức mô hình giáo dục STEM trong nhà trường.

Trên cơ sở nhận thức khoa học về STEM và giáo dục STEM – là thuật ngữ viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Để phát triển giáo dục STEM trong nhà trường, trước hết phải có được con người có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức hoạt động STEM. Trường bắt tay xây dựng đội ngũ phục vụ cho giáo dục STEM bằng cách ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo hoạt động STEM và nhóm nghiên cứu về giáo dục STEM.

Ban Chỉ đạo và nhóm nghiên cứu là lực lượng đầu tàu, tiên phong đưa nội dung, xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường và là cầu nối kết nối với các nguồn lực bên ngoài nhà trường phục vụ cho hoạt động.

Tiếp theo, cơ sở vật chất, thiết bị cho hoạt động STEM là vấn đề nhà trường rất quan tâm. Thực tiễn cho thấy, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ hoạt động dạy học hiện có chỉ có thể đáp ứng một phần cho nhu cầu tổ chức hoạt động giáo dục STEM. Do đó, nhà trường phải định hướng đến việc kết nối với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu để bổ sung thêm cơ sở vật chất, thiết bị vào không gian hoạt động STEM cho giáo viên và học sinh.

Để có được cơ sở thực tiễn phục vụ hoạt động giáo dục STEM nhà trường đã triển khai đồng bộ các giải pháp thông qua mô hình giáo dục STEM trong nhà trường. Trong mô hình này, nhà trường đã triển khai các giải pháp phát triển nguồn lực phục vụ hoạt động STEM trong nhà trường, xây dựng mô hình liên kết H-U-S và không gian STEM/STEAM; kế hoạch phối hợp tổ chức hoạt động tập huấn và cuộc thi STEM.

Tạo không gian STEM    

Bên cạnh việc đầu tư phát triển nguồn lực con người như đã nêu ở trên, nhà trường đã vận động sự hỗ trợ nguồn lực về thiết bị, không gian trải nghiệm, thực nghiệm của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu thông qua các nội dung ký kết, hợp tác. Mô hình liên kết H-U-S là cơ sở để nhà trường chủ động trong việc đề xuất xây dựng không gian STEM. Đây là mô hình liên kết giữa trường Trung học phổ thông – Trường Đại học – Xã hội (Gia đình).

Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu xây dựng không gian STEM mở. Trong đó gồm không gian STEM trong phòng học. Đây là phòng trưng bày và nghiên cứu STEM; là không gian tổ chức các hoạt động tập huấn, nghiên cứu, thảo luận các vấn đề, nội dung liên quan đến hoạt động STEM và các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khác; là không gian trưng bày các poster, mô hình, sản phẩm (lấy từ cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và sáng tạo thanh thiếu niên – nhi đồng) có liên quan đến STEM. Học sinh và giáo viên sử dụng không gian này để thực hiện nghiên cứu, thảo luận, sinh hoạt chuyên đề STEM, các hoạt động này mang tính thường xuyên; các trường đại học, trung tâm ký kết hợp tác tổ chức hoạt động tập huấn, tổ chức cuộc thi liên quan đến STEM mỗi năm ít nhất 1 – 2 lần.

Không gian STEM ngoài phòng học là không gian trưng bày các mô hình, sản phẩm ứng dụng công nghệ trong trồng trọt hoặc các thí nghiệm ngoài trời của các môn khoa học tự nhiên; là không gian trải nghiệm thực tế, đưa kiến thức vào thực tiễn của giáo viên, học sinh; là không gian để học sinh nghiên cứu thực hiện các bài tập, dự án STEM và các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; các công nghệ cảm biến, tự động hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống; khu trồng các cây dược liệu quý; khu sản xuất phân hữu cơ vi sinh…

Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã đồng bộ được các giải pháp và đa dạng hình thức tổ chức hoạt động giáo dục STEM như: Cuộc thi sáng tạo STEM; hoạt động trải nghiệm STEM, chuyên đề STEM; các hoạt động giao lưu STEM; tập huấn STEM và kết nối STEM với hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, nhà trường đã xây dựng và hoàn thiện dần không gian STEM, tại trường có khu vườn trường, khu trưng bày các mô hình STEM, các không gian nghiên cứu chế tạo các mô hình STEM (xe năng lượng mặt trời, xe thế năng, xe robot, các thiết bị và mô hình nhà thông minh, cảm biến nồng độ CO2 chống ngạt khí…) và không gian trải nghiệm, nghiên cứu STEM tại Trường Đại học Trà Vinh, Đại học Văn Lang, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh…

Định hướng trong thời gian tới, nhà trường sẽ phát triển các hoạt động STEM theo chiều sâu bằng cách xây dựng và tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi về lập trình và thiết kế robot; gắn sáng tạo STEM với xây dựng trường học thông minh và chuyển đổi số. Đồng thời, nhà trường sẽ tăng cường các hoạt động tập huấn, trải nghiệm STEM cho giáo viên và học sinh. Tiếp tục hoàn thiện không gian STEM để phục vụ tốt hơn cho nghiên cứu và phát triển giáo dục STEM. Kết nối hoạt động STEM với hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tiễn các sản phẩm STEM của học sinh.

ThS. Nguyễn Văn Ngon

(Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu)

More from the blog

Góp phần xây dựng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số có chất lượng cho vùng ĐBSCL

Nguồn: https://baocantho.com.vn/gop-phan-xay-dung-nguon-nhan-luc-dan-toc-thieu-so-co-chat-luong-cho-vung-dbscl-a171560.html Năm 2023, GS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh, ký quyết định thành lập Trường...

Hợp tác xã sinh viên Trường Đại học Trà Vinh: Giúp sinh viên trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp

Nguồn: https://baocantho.com.vn/gop-phan-xay-dung-nguon-nhan-luc-dan-toc-thieu-so-co-chat-luong-cho-vung-dbscl-a171560.html Hợp tác xã (HTX) Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh được thành lập vào tháng 6/2018 với 537 thành viên, tham gia...

Gần 320 thí sinh tham dự Hội thi Olympic Hóa học TVU lần thứ III

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/gan-320-thi-sinh-tham-du-hoi-thi-olympic-hoa-hoc-tvu-lan-thu-iii-36198.html? Ngày 07/4, Khoa Hóa học ứng dụng thuộc Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thi Olympic Hóa học - TVU lần...

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer Nam Bộ

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/bao-ton-tieng-noi-chu-viet-cua-dong-bao-khmer-nam-bo-35899.html? Tỉnh Trà Vinh có tổng dân số trên 01 triệu người; trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 32% dân số. Địa phương...