Diện mạo mới ở Trà Vinh

(SGGPO) – Là địa phương còn nhiều khó khăn, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, nhưng với sự nỗ lực vươn lên, sự hỗ trợ tích cực của Trung ương cùng sự tiếp sức của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã từng bước làm thay đổi bộ mặt ở nhiều vùng nông thôn Trà Vinh. Song hành cùng phát triển kinh tế thì lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, nghệ thuật… rất được quan tâm. Nhờ đó mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào Khmer ngày càng phong phú…

          Giữ gìn bản sắc dân tộc

          PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết: “Đại học Trà Vinh là trường công lập ra đời chưa lâu, nhưng đến nay đã hoạt động theo mô hình đa cấp, đa ngành, đa phương thức đào tạo, thu hút hơn 20.000 sinh viên theo học. Được như vậy, ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các ngành thì vai trò của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tiếp sức cho nhà trường là rất quan trọng để trường phát triển như hôm nay”. Theo ông Khánh, trong nhiều sự quan tâm thì Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã hỗ trợ rất tích cực cho Khoa Ngôn ngữ- Văn hóa- Nghệ thuật Khmer Nam bộ (ĐH Trà Vinh); nhờ đó mà khoa này đã được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực về Ngôn ngữ- Văn hóa- Nghệ thuật Khmer Nam bộ; đồng thời là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực này ở bậc đại học và sau đại học. Cụ thể, vào năm 2012- 2014, nhà trường đã đào tạo khóa I cao học chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam bộ, thu hút 41 học viên là cán bộ quản lý, sinh viên, các nhà hoạt động tôn giáo… tham gia học và tốt nghiệp thạc sĩ; trong đó, gần một nữa học viên là người dân tộc Khmer. Lớp thạc sĩ này rất có ý nghĩa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành về Văn hóa Khmer Nam bộ.

          Song hành cùng việc hỗ trợ về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực thì Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ còn phối hợp cùng UBND tỉnh Trà Vinh, trường ĐH Trà Vinh, VTV Cần Thơ… tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ – Di sản văn hóa dân tộc” vào tháng 11-2013. Hội thảo tạo được sức lan tỏa rộng khắp về nghệ thuật Dù kê và để lại ấn tượng tốt trong lòng nhiều người yêu mến môn nghệ thuật này. Tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ, Trưởng khoa Ngôn ngữ- Văn hóa- Nghệ thuật Khmer Nam bộ, nhớ lại: “Lần đầu tiên tổ chức hội thảo lớn như vầy làm cho các thành viên rất lo. Tuy nhiên, với sự trợ lực tối đa từ Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, sự chuẩn bị chu đáo… nhờ đó mà hội thảo Dù kê nhận được hơn 70 bài tham luận của nhiều tác giả như: nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, nhà giáo, cán bộ quản lý nhà nước, quản lý đoàn hát, diễn viên… Các bài tham luận làm sáng tỏ về nguồn gốc và xuất xứ của sân khấu Dù kê, tính độc đáo, tính chuyên biệt của loại hình nghệ thuật này, chỉ ra những đặc sắc của sân khấu Dù kê… Cũng từ hội thảo này mà các ngành chức năng, các nhà chuyên môn cùng kiến nghị tỉnh Trà Vinh làm hồ sơ gửi UNESCO xem xét công nhận sân khấu Dù kê là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Song song đó, các địa phương quan tâm đào tạo đội ngũ diễn viên, đạo diễn cho sân khấu Dù kê, chú ý những tài năng trẻ trong cộng đồng… nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc”.

          Đầu tư phát triển toàn diện

          UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh có hơn 1 triệu người, trong đó đồng bào Khmer khoảng 324.653 người, chiếm tỷ lệ 31,54% dân số. Đời sống của đồng bào Khmer chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các nghề thủ công truyền thống, một số làm dịch vụ, mua bán nhỏ, lao động tại các công ty, xí nghiệp… Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ ngành Trung ương, Ủy ban Dân tộc và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ… giúp tỉnh triển khai nhiều chính sách, chương trình, dự án liên quan đến đồng bào Khmer.

          Theo đó, từ năm 2005-2008, tỉnh triển khai xây dựng 13.182 căn nhà cho hộ nghèo, kinh phí 82 tỷ đồng; xây 87 trạm cấp nước ở các khu dân cư, xây 8.041 lu xi măng và bể chứa nước với kinh phí 49 tỷ đồng. Từ năm 2008-2012, giải ngân hơn 82 tỷ đồng cho 9.863 hộ Khmer vay vốn chuyển đổi ngành nghề, chăn nuôi, mua máy móc sản xuất. Từ năm 2013-2015, hỗ trợ hơn 2.010 hộ về đất ở với kinh phí 65 tỷ đồng. Giai đoạn 2012-2015, đầu tư 13 công trình hạ tầng với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Thực hiện quyết định 54, trong 2 năm từ 2013-2015 đã giải ngân cho 422 hộ đồng bào Khmer đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất hơn 3,3 tỷ đồng. Từ năm 2011-2015, xây dựng 19 mô hình nuôi bò, heo, gà, vịt, cá, trồng hoa màu… giúp 243 hộ Khmer sản xuất, qua đó có 217 hộ thoát nghèo. Trong 10 năm gần đây, các ngành chức năng ở Trà Vinh tạo việc làm cho 170.571 lượt lao động người Khmer vào làm ở các công ty, xí nghiệp; trong đó đưa 92 lao động Khmer đi xuất khẩu lao động. Từ năm 2011-2015, tổ chức xét tuyển hệ dự bị đại học cho 606 học sinh Khmer vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ sách báo… Nhờ sự đầu tư đúng mức đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều mặt, giúp nhiều hộ đồng bào Khmer vươn lên trong cuộc sống.

          Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh kiến nghị đến Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ trong thời gian tới cần có cơ chế khuyến khích người nghèo quyết tâm giảm nghèo, có ý chí vươn lên. Có chính sách đào tạo nâng cao năng lực xây dựng và hoạch định chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Bộ GD-ĐT xem xét, bổ sung chương trình khung dạy tiếng Khmer, đảm bảo có sách giáo khoa bậc THPT…

          PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh bộc bạch: “Cách nay 4 năm, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã hỗ trợ cho ĐH Trà Vinh mở khoa Y – Dược, trong đó chú trọng đào tạo bác sĩ cộng đồng và bác sĩ gia đình. Hiện khoa Y – Dược của trường phát triển khá tốt. Riêng răng – hàm – mặt được Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chọn ĐH Trà Vinh để đào tạo hệ cử tuyển cho nguồn nhân lực vùng ĐBSCL. Với những kết quả bước đầu, nên trường ĐH Trà Vinh kiến nghị với Bộ GD-ĐT và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ… đề xuất với Chính phủ cho phép ĐH Trà Vinh lấy ngành sức khỏe làm trọng điểm để đào tạo (cùng với ĐH Y Dược Cần Thơ), nhằm tăng cường nguồn nhân lực ngành y cho vùng ĐBSCL…”.

HUỲNH LỢI

More from the blog

Trường Đại học Trà Vinh trao bằng tốt nghiệp cho 731 tân cử nhân, kỹ sư

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-tra-vinh-trao-bang-tot-nghiep-cho-731-tan-cu-nhan-ky-su-36577.html Sáng ngày 21/4, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho 731 tân cử nhân,...

Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh) đoạt giải Nhất hội thi hùng biện tiếng Anh

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/truong-thpt-chuyen-nguyen-thien-thanh-tra-vinh-doat-giai-nhat-hoi-thi-hung-bien-tieng-anh-36586.html Chiều ngày 21/4, Khoa Ngoại ngữ, Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (Trường Đại...

Đội Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Trà Cú giải Nhất Cuộc thi hùng biện tiếng Khmer

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/doi-truong-pho-thong-dan-toc-noi-tru-thcs-va-thpt-huyen-tra-cu-giai-nhat-cuoc-thi-hung-bien-tieng-khmer-36570.html Ngày 20/4, Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (Slaska) (thuộc Trường Đại học Trà...

Trên 3.000 sinh viên, người lao động tham gia Ngày hội việc làm năm 2024

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/tren-3-000-sinh-vien-nguoi-lao-dong-tham-gia-ngay-hoi-viec-lam-nam-2024-36582.html Ngày 21/4, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Ngày hội việc làm năm 2024. Đây là hoạt động thường niên được tổ...