Địa chỉ định hướng văn hóa Khmer Nam bộ

(SGGPO) – Khoa Ngôn ngữ – văn hóa – nghệ thuật Trường Đại học Trà Vinh là khoa đầu tiên trong cả nước đào tạo chính quy các chuyên ngành ngôn ngữ văn hóa và nghệ thuật Khmer Nam bộ.

        Một lớp trí thức Khmer chất lượng cao

“Tôi đang theo học khóa cao học chuyên ngành về văn hóa tại Khoa Ngôn ngữ – văn hóa – nghệ thuật (NN-VH-NT) Khmer Nam bộ. Những kiến thức có được tại đây giúp chúng tôi rất nhiều trong việc nắm bắt, xử lý công việc và góp phần phát triển văn hóa tại địa phương”, ông Lâm Vĩnh Phương, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sóc Trăng, nhận định.

“Sinh viên sẽ được học 4 học kỳ từ cơ bản đến nâng cao ngôn ngữ Khmer, sau đó mới đi sâu vào chuyên ngành. Các em sử dụng rất thành thạo font chữ Khmer trên máy tính…”, Kim Văn, giảng viên dạy tin học và ngôn ngữ Khoa NN-VH-NT vốn là sinh viên Trường Đại học Trà Vinh, tốt nghiệp xong được cử đi học tiếp 2 năm tại Đại học Hoàng gia Campuchia, cho biết. Đó là bước chuyển rất căn cơ về ngôn ngữ khi ngay nhiều sinh viên Khmer vẫn “nặng về nói, yếu về viết” lúc nhập học. Omnara, giáo viên bộ môn nghệ thuật, tâm sự: “Người Khmer sinh ra đã biết múa. Hồi đầu chỉ dạy múa dân gian, múa cổ điển, nay đã phát triển thêm nghệ thuật sân khấu Duke. Về nhạc cụ có lớp nhạc ngũ âm, dây, trống… sắp tới sẽ đào tạo đờn ca tài tử. Nhiều nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân dân gian người Khmer đã đến khoa truyền dạy kinh nghiệm cho lớp trẻ”. Các sinh viên của bộ môn nghệ thuật còn thành lập Câu lạc bộ VHNT Khmer, tham dự và đoạt huy chương trong các kỳ hội diễn hay các sự kiện lớn của tỉnh và vùng. Từ khi hoạt động đến nay, sinh viên của khoa đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học rất hữu ích, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền và Khmer Nam bộ.

 

Hơn 90% trong số trên 600 học viên đang theo học các loại hình đào tạo (cao đẳng, liên thông, đại học, cao học) tại Khoa NN-VH-NT Khmer Nam bộ là người Khmer. Một lớp trí thức người dân tộc đủ bản lĩnh trước thách thức hội nhập văn hóa toàn cầu hiện nay.

Đôi tay người thợ Khmer Nam bộ.

 

 Phát huy văn hóa dân tộc

“Sinh viên người Khmer rất ham học. Nhiều bạn, gia đình khó khăn vừa đi học vừa làm thêm nhiều nghề. Nhà nước hỗ trợ sinh viên vay vốn, nhà trường ưu tiên giảm tiền trọ học ở ký túc xá. Riêng sinh viên ngành biểu diễn nghệ thuật (nhạc cụ truyền thống) được miễn học phí và hỗ trợ thêm 450.000 đồng/tháng. Không có trường hợp sinh viên nào bỏ học từ khi nhập trường”, giáo viên Omnara nói vậy. Thạc sĩ Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, nhận định: Khoa NN-VH-NT là cơ hội để người dân tộc Khmer có thể nâng cao trình độ, nghiên cứu chuyên sâu, phát huy văn hóa dân tộc mình ngay tại ĐBSCL, nơi có đến trên 1 triệu bà con dân tộc Khmer sinh sống.


Ngôn ngữ tiếng Khmer Nam bộ là một bộ phận ngôn ngữ tiếng Việt. Sự giao thoa ngôn ngữ, tiếng nói Khmer với cộng đồng người Việt, người Hoa; các làn điệu ca dao tình tứ hay giai điệu âm vang của dàn nhạc ngũ âm; nghệ thuật sân khấu cổ truyền Yukê, Rô băm; các điệu múa phổ biến Răm vông, Lâm lêl, Saravan; các lễ hội cổ truyền Chôl Chnam Thmây, Sene Đôlta và Ok Om Bok; nghệ thuật điêu khắc, hội họa ở các ngôi chùa Khmer… được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như thế nào? Giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer Nam bộ ra sao trong tiến trình tiếp biến, hội nhập văn hóa sẽ được nghiên cứu sâu hơn, khoa học, bài bản hơn với sự ra đời của Khoa NN-VH-NT Khmer Nam bộ.


“Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên hàng đầu cho đồng bào dân tộc, trong đó có bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc. Từ đó có những chủ trương, đường lối chính sách quan tâm phát triển đến các đồng bào dân tộc trên mọi phương diện chính trị, văn hóa, xã hội và đặc biệt là giáo dục. Việc nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy ngôn ngữ – văn hóa đặc sắc của người Khmer Nam bộ là một trong những vấn đề mang tính cấp thiết…”. Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, tại lễ khánh thành khoa (ngày 23-6-2013). Đồng chí cũng mong muốn Khoa NN-VH-NT Khmer Nam bộ không ngừng sáng tạo nỗ lực đưa nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy định hướng về văn hóa cho đồng bào Khmer Nam bộ.

 

Trên diện tích 1,3ha (vốn đầu tư 60 tỷ đồng), được khởi công vào tháng 7-2011, đến nay cơ sở hạ tầng của khoa đã cơ bản hoàn thành các hạng mục. Đại học Trà Vinh đang hướng đến mục tiêu đưa Khoa NN-VH-NT Khmer Nam bộ trở thành khoa trọng điểm quốc gia.

 

VŨ THỐNG NHẤT

More from the blog

Thị trường tín chỉ carbon phát triển nhanh, cạnh tranh khốc liệt

Nguồn: https://nongnghiep.vn/thi-truong-tin-chi-carbon-phat-trien-nhanh-canh-tranh-khoc-liet-d380395.html Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia mang đến thách thức đáng kể cho Việt...

Bốn trường ĐH công nhận kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính của nhau

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/bon-truong-dh-cong-nhan-ket-qua-ky-thi-danh-gia-dau-vao-tren-may-tinh-cua-nhau-post676120.html GD&TĐ - Chiều 20/3, tại Trường Đại học Mở TPHCM đã diễn ra Lễ ký kết về việc công nhận và sử dụng...

Lan tỏa tình yêu văn hóa Khmer đến cộng đồng

Nguồn: https://hoinhabao.vn/Lan-toa-tinh-yeu-van-hoa-Khmer-den-cong-dong_bv-57884 Đời sống văn hóa, nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam Bộ rất phong phú, với nhiều nghệ thuật và lễ hội truyền...

Làm giàu từ trái dừa sáp ở Trà Vinh

Nguồn: https://baomoi.com/lam-giau-tu-trai-dua-sap-o-tra-vinh-c48609798.epi Trà Vinh là một tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong số một triệu người dân, cùng với những...