(SGGPO) – Đại học Trà Vinh là trường công lập nhưng đã đóng góp tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và cho các tỉnh ĐBSCL…
Nét riêng năng động
Matin Institule, Thạc sĩ sức khỏe cộng đồng, đến từ Viện Hải Dương Canada là người rất cởi mở. Dự án cô đang nghiên cứu cùng khoa Nông nghiệp – Thủy sản trường Đại học Trà Vinh, rất thiết thực: Nâng cao nhận thức vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đường phố. “Người bán chỉ cần thay đổi thói quen về bảo quản, chế biến, vệ sinh thực phẩm cho đúng cách…”, Matin Institule nhận xét và không quên thừa nhận “đồ ăn ở đây ngon quá, không dằn lòng được”.
“Đại học Trà Vinh tuy còn rất trẻ nhưng là môi trường mở, hướng đến hội nhập quốc tế”, giảng viên tiếng Anh khoa Ngoại ngữ, cô Abigal Hills (Hoa Kỳ) và hai đồng nghiệp người Pháp Dorothee Dejardin, Garnier Valentin Paul cùng nhận xét. Người học được đặt ở vị trí trung tâm, có giáo trình tiên tiến (chương trình Đại học Cambridge theo chuẩn châu Âu) và kỹ năng mới. “Sinh viên chuyên ngữ có nhiều cơ hội tiếp cận giáo viên bản xứ; ham học, tích cực hoạt động nhóm; quan hệ thân thiện”, cô Abigal Hills nói vậy. “Khoa Ngoại ngữ đang dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; tiếng Anh (cả văn chương), Pháp, Hoa, hướng tới tiếng Nhật và chuẩn bị đón thêm 3 giáo viên nước ngoài”, Phó bộ môn thuộc Khoa Ngoại ngữ, thạc sĩ Huỳnh Đỗ Thư cho biết. “Thích đi xa mà không cô đơn. Trà Vinh rất tuyệt”, Rosel Labaclado Solamo và Richeal Mac B.Compos (Philipin) là ⅖ giáo viên nước ngoài của Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học (ĐHTV) cười rất tươi. Đại học Trà Vinh luôn sôi động bởi đội ngũ tình nguyện viên từ rất nhiều nước liên tục đến.
Trường đại học này thu hút khá nhiều tri thức Việt Kiều tham gia thành viên Hội đồng tư vấn; thành lập Quỹ tín dụng cho người nghèo, học bổng cho sinh viên; tư vấn học thuật, nghiên cứu khoa học và phát triển dự án… Tiến sĩ về lĩnh vực Năng lượng và Vật liệu Nguyễn Thanh Mỹ sau 25 năm thành công tại Canada, quay về quê nhà Trà Vinh (năm 2004). Hiện ông là Trưởng khoa Hóa học Ứng dụng của trường Đại học Trà Vinh, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn công nghệ cao Mỹ Lan (KCN Long Đức – TP. Trà Vinh).
15 năm hình thành, 92 đối tác tại 11 quốc gia (Hoa Kỳ, Hà Lan, Canada, Australia, Nhật Bản, Singapore, Israel, Hungary, Ấn Độ…), trường Đại học Trà Vinh hiện là thành viên thứ 151 và là thành viên nước ngoài duy nhất của Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Canada. Vừa “tụ” vừa “mở”, chỉ riêng khoa Ngoại ngữ có 22/28 giáo viên trình độ từ thạc sĩ trở lên thì 19 người được đào tạo ở các trường Đại học nước ngoài.
PGS. TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh, tâm sự: “Đại học Trà Vinh là trường đại học của một tỉnh nghèo thuộc vùng sâu. Tuy chưa có bề dày về lịch sử hình thành, song lại có một hướng phát triển nhanh, mạnh và hợp lý để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển chung của giáo dục thời đại”. Hợp tác quốc tế sâu, rộng, hướng “đi tắt đón đầu” năng động, sáng tạo đó giúp Đại học Trà Vinh sớm có nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận giáo trình, công nghệ tiên tiến.
Hướng đến cộng đồng
“Vào mầm non ra Tiến sĩ”, anh Nguyễn Văn Út, ở phường 7 – TP. Trà Vinh có con đang học tiểu học tại Trường Sư phạm thực hành thuộc Đại học Trà Vinh hóm hỉnh. Anh cho biết, tại đây hiện có 4 cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Năm nào cũng kín học sinh bởi tỷ lệ tốt nghiệp cuối cấp, thi đỗ vào đại học rất cao. Đây là một trong những bước đột phá nhằm gắn kết và đa dạng loại hình đào tạo phục vụ cộng đồng.
Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng. Phương châm đó xuyên suốt, ngày càng lan tỏa và trở thành thế mạnh của Đại học Trà Vinh. Khởi đầu từ mô hinh “Trường Cao đẳng cộng đồng vào năm 2001” trên cơ sở triển khai dự án Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam – Canada. Sau 5 năm hoạt động, Trường CĐCĐ Trà Vinh giúp tỉnh nhà tăng 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm 10% tỉ lệ nghèo, giảm 1% tỉ lệ thất nghiệp (báo cáo của Văn phòng dự án CĐCĐ Việt Nam – Canada). Theo PGS. TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh, nhờ lực đẩy này mà khi phát triển lên thành trường Đại học Trà Vinh vào tháng 6-2006 thì trường “cứng cáp” hơn rất nhiều. Đặc biệt, hình thành quan điểm, tư duy đào tạo mới; phong cách làm việc, quản lý hiện đại, có tầm nhìn xa trong xây dựng kế hoạch chiến lược…
Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam bộ của trường là cơ hội lớn cho gần 1,3 triệu bà con dân tộc Khmer sinh sống tại ĐBSCL (Trà Vinh chiếm hơn 30% dân số) đang đào tạo trên 700 sinh viên các bậc học. Không một ngôi trường đại học nào trên dải đất chữ S tập trung nhiều con em người Khmer và sắc áo cà sa (các nhà sư) đến vậy. Đây cũng là địa chỉ duy nhất cả nước thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đồng bào Khmer Nam bộ. Khoa đang triển khai 3 dự án lớn: hoàn chỉnh bộ từ điển Việt – Khmer 45.000 từ; phụ trách mảng lý luận trong hồ sơ trình UNESCO để loại hình nghệ thuật Dù kê được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới; tăng cường năng lực truyền dạy ngôn ngữ Khmer trong các chùa.
Khoa Y – Dược của trường đang hướng đến khoa trọng điểm của vùng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo mô hình “bác sĩ gia đình”. Phòng khám đa khoa Khoa Y – Dược của trường Đại học Trà Vinh với hơn chục phòng thí nghiệm, thực hành y khoa đã khám nội bộ cho trên 6.000 lượt cán bộ, sinh viên…
Hiện thực những ước mơ
Lâm Quang Phúc Bình, sinh viên giỏi năm thứ 2 khoa Ngoại ngữ kể rằng, 3 chị em đùm bọc lẫn nhau nên phải đi làm thêm ngay từ năm thứ nhất. “Việc học giúp con người đổi đời. Em sẽ cố gắng hơn nữa”, Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh viên năm thứ 3 khoa Luật và là cô út trong gia đình nghèo, không đất ở huyện biên giới An Phú, tỉnh An Giang đang theo học ở Đại học Trà Vinh. Đại đức Danh Út, Chánh văn phòng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, một trong 41 thạc sĩ văn hoá Khmer đầu tiên của trường Đại học Trà Vinh, vẫn nhớ như in cái ngày đưa người mẹ 73 tuổi cùng đi nhận bằng thạc sĩ với niềm sung sướng tự hào. Hiện ông đang học tiếp lên tiến sĩ tại Đại học Trà Vinh. Với mọi người, cái nghèo không đè được khát vọng đổi đời từ con chữ.
TS Nguyễn Thị Phương Nam, Trưởng khoa Ngoại ngữ, gốc người Trà Vinh, bộc bạch: “Sinh viên đa số còn nghèo nhưng tràn đầy ước mơ. Chỉ mong các em vươn lên, thắp sáng ước mơ học tập để thay đổi cuộc sống sau này. Đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì trường có những chương trình hỗ trợ; trong đó trường vận động tài trợ được khoảng 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, chương trình đào tạo Co-op, sinh viên tương tác với doanh nghiệp, được trả lương; chương trình thực tập vừa học, vừa làm ngoài nước (Israel…) tiếp cận công nghệ hiện đại, thu nhập cao…”.
TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh, phấn khởi: “Cả 3 khu của trường được đầu tư nâng cấp khang trang. Thầy trò không phải ngồi trẹt lội sình đến lớp nữa”. Một lớp cán bộ, giảng viên trẻ, năng động, nhiệt huyết, được chuẩn hoá trong nước và quốc tế đã xuất hiện (với 11 GS và PGS; 117 tiến sĩ và nghiên cứu sinh; 343 thạc sĩ và cao học…). 10 năm trở thành trường Đại học công lập (2006 – 2016) theo mô hình đa cấp, đa ngành, đa phương thức đào tạo, Đại học Trà Vinh đã để lại nhiều dấu ấn. Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge – Anh Quốc công nhận trường Đại học Trà Vinh là Trung tâm Đào tạo tiếng Anh tổng quát, tiếng Anh học thuật (2013). Giảng viên trường, TS Nguyễn Thái Sơn, nhận giải “Quả cầu vàng 2015”. Sản phẩm mực in Offset được đăng ký bản quyền quốc tế của Tập đoàn Mỹ Lan ứng dụng từ đề tài nghiên cứu của sinh viên Đại học Trà Vinh…
Cán bộ giảng viên Đại học Trà Vinh tỏa khắp Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Hà Giang…“Trường Đại học Trà Vinh rất sáng tạo, năng động. Là trường công lập nhưng đào tạo nhân lực tích cực cho cả thị trường lao động công và tư (doanh nghiệp) cho địa phương và cả vùng. Đặc biệt, tuy là trường địa phương nhưng các tỉnh phía Bắc cũng yêu cầu liên kết đào tạo, đây là điều hiếm thấy trong khu vực”, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ – Trần Hữu Hiệp nhận định.
Đại học Trà Vinh đang phấn đấu trở thành một trong những trường đại học điển hình ở Việt Nam về đào tạo hợp tác với doanh nghiệp; một “đại học xanh”; cung ứng nhân lực cho Nhiệt điện Duyên Hải; ứng phó biến đổi khí hậu, chế biến nông, thủy hải sản chất lượng cao; bảo tồn, phát huy văn hóa Khmer Nam bộ…
BOX:
Trường Đại học Trà Vinh hiện có trên 20 ngàn sinh viên, đào tạo tập trung ở 13 ngành sau đại học (13 ngành đào tạo bậc thạc sĩ, 3 ngành đào tạo bậc tiến sĩ); 28 ngành học đại học; 25 ngành học cao đẳng; 30 ngành Trung cấp chuyên nghiệp. Trường đã thực hiện được 98 đề tài gồm: 5 đề tài cấp bộ, 14 đề tài cấp tỉnh, 79 đề tài cấp trường…
VŨ THỐNG NHẤT